Bán hàng trên môi trường số: ‘Chìa khóa vàng’ giúp HTX vượt Covid-19

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy hình thức bán hàng trên các nền tảng số. Các doanh nghiệp và cả những cá nhân đều sử dụng hình thức bán hàng online để tiếp cận với khách hàng và thu được hiệu quả. Khi bán hàng trực tuyến đang được xem là xu hướng kinh doanh mới, các HTX nếu biết nắm bắt cơ hội này sẽ vững vàng vượt dịch Covid -19 và thích ứng với thời đại 4.0.

Trong chương trình đào tạo “Kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển kinh tế tập thể và HTX” do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức ngày 15/11 tại Hòa Bình, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, cho biết khi nắm vững và thực hành hiệu quả các kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nói chung và kỹ năng bán hàng thông qua livestream nói riêng chính là cách giúp các HTX thích ứng với thời đại công nghệ số, đáp ứng được xu hướng của người tiêu dùng. Đây cũng là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp nông thôn.

XTTM.jpg

Các học viên đang trao đổi tại “Khoá đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển Kinh tế tập thể và hợp tác xã” tại tỉnh Hoà Bình ngày 15/11/2021.

Nắm bắt nhanh xu hướng livestream

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Liên minh HTX Việt Nam hướng đến trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, 80% số HTX, Liên hiệp HTX được kết nối, quảng bá thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống cổng thông tin quảng bá sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng thương mại điện tử; 50% số HTX ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành để nâng cao hiệu quả hoạt động; 90% các HTX sử dụng các công nghệ trong việc xác thực nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; 100% HTX có máy tính kết nối với mạng internet…

Trên thực tế, livestream bán hàng mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2018, tuy nhiên phải đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát thì hình thức mua bán hàng thông qua livestream mới thực sự phát triển.

Theo một kết quả nghiên cứu mới đây của Facebook, 68% người dùng Việt Nam xem video ít nhất một lần mỗi ngày. Trung bình mỗi người dùng dành khoảng 1 giờ cho mỗi lần xem video trên mạng xã hội. Có tới 97% người dùng Việt nhận biết Facebook là một nền tảng video. 74% người dùng lựa chọn xem video trên Facebook bởi vì “tôi có thể xem video trên Facebook mọi lúc, mọi nơi”. 63% cho biết “tôi xem video trên bảng tin mỗi khi tôi truy cập vào Facebook”. Bên cạnh đó, mỗi tháng Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm.

Nắm bắt được xu hướng này, nhiều HTX đã nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ để phục vụ quảng bá và bán sản phẩm. Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Hòa Lệ, cho biết, dù livestream bán hàng là hình thức còn mới mẻ nhưng trong lần livestream đầu tiên trên trang fanpage, HTX đã đạt hơn 2 ngàn lượt xem và 745 lượt tương tác. Đến nay, HTX coi đây là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả song song với bán hàng bằng các bài đăng trên trang thương mại điện tử và mạng xã hội.

Điều này cho thấy, hình thức livestream đang trở thành công cụ đắc lực của các nhà bán hàng, HTX trên môi trường thương mại điện tử và hứa hẹn sẽ còn phát trong thời gian tới vì tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như facebook, zalo, youtube, Zoom… việc quay video livestream đã thúc đẩy hình thức mua bán hàng, xúc tiến thương mại của các HTX. Đây cũng là hướng đi hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc mua bán trực tiếp bị hạn chế.

livestream-huong-dan-ho-nong-d-9346-6021

Chỉ cần có điện thoại kết nối internet, HTX có thể livestream bán nông sản trực tuyến trên các nền tảng số.

Lợi thế của phương thức bán hàng này là HTX có thể tương tác trực tiếp với khách hàng về sản phẩm, giá cả, vận chuyển hay tư vấn sử dụng dù họ ở xa, từ đó giúp tăng tính xác thực, minh bạch của sản phẩm. Đây chính là ưu điểm của livestream so với mua hàng online trên các mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử thông thường. Đặc biệt, việc đầu tư cơ sở vật chất cho hình thức bán hàng này cũng không quá cao. HTX chỉ cần có smartphone, máy tính bảng hoặc máy tính kết nối internet là có thể phát video bán hàng trực tuyến.

Theo nhận định của các chuyên gia, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream được đánh giá là phù hợp và hiệu quả hơn thương mại điện tử. Bởi bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đều có những yêu cầu rất cao về vấn đề bao gói, bảo quản, làm thương hiệu sau thu hoạch… Trong khi đó, các HTX hiện nay còn chưa mạnh về khâu này. Vì vậy, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream sẽ phù hợp với điều kiện của HTX vì sẽ giảm tải được các yêu cầu trên.

Nâng cao kỹ năng, năng lực cho HTX

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với HTX khi thực hiện bán hàng bằng cách phát video trực tuyến là phải làm thế nào giữ chân người xem lâu nhất có thể và từ đó tạo tương tác qua bình luận, lượt thích và cuối cùng đạt kết quả là chốt đơn hàng.

Để làm được điều này, theo các chuyên gia, các HTX cần phải định hình được: HTX của mình đang cung cấp sản phẩm/dịch vụ gì? Giá trị ra sao và sự khác biệt nổi trội so với các sản phẩm khác. Đối tượng khách hàng chủ yếu của HTX là những ai?

Đặc biệt, HTX cần phải có kịch bản livestream bán hàng rõ ràng. Trong đó, phần đầu tiên cần tập trung vào chào hỏi, định hướng sản phẩm. Phần tiếp theo là nói về những điểm hấp dẫn, nổi trội về sản phẩm (sản xuất quy trình nào, đã được chứng nhận gì? Hương vị ra sao? Công nghệ chế biến, đóng gói thế nào…). Phần cuối cùng sẽ chia sẻ những ưu đãi và những giá trị mà khách hàng nhận được khi mua hàng của HTX.

Tuy nhiên, chất lượng video phát trực tiếp cũng là một trong những yếu tố thu hút khách hàng hay không. Theo đó, điều kiện đầu tiên là video phải rõ người quay và sản phẩm. Vì vậy, nếu có điều kiện, HTX nên đầu tư máy quay chuyên dụng. Bên cạnh đó, video phát trực tuyến cần thông suốt, không bị gián đoạn. Muốn vậy, HTX cần quan tâm đến internet, đường truyền… trước khi thực hiện.

128d4100624t2513l1-jpeg-6968-1636968730.

Livestream giúp hạn chế tình trạng dồn ứ nông sản trong mùa dịch.

Là một trong những HTX được tham gia khóa đào tạo của Liên minh HTX Việt Nam, bà Bùi Thị Lan Phượng, đại diện HTX nông nghiệp thổ cẩm Vọng Ngàn (Tân lạc, Hòa Bình), cho biết HTX đã từng livestream bán hàng nhưng thực hiện theo kiểu tự phát. “Hôm nay, được đào tạo theo hình thức “học đi đôi với hành”, HTX đã hiểu được khách hàng mục tiêu của HTX là những ai, trong độ tuổi nào, thách thức và ưu điểm của nhóm khách hàng HTX đang hướng tới…”, bà Phượng nói.

Chia sẻ về vai trò của buổi tập huấn, ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình, cho biết, Hòa Bình là một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm theo mùa vụ, trong đó lớn nhất là cam và bưởi. Đến mùa thu hoạch, nếu không làm tốt khâu xúc tiến thương mại, chủ động tìm đầu ra thì việc tiêu thụ nông sản cho người dân, HTX rất khó khăn, nguy cơ dẫn đến tình trạng dồn ứ nông sản.

Tuy nhiên, việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kết hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các buổi đào tạo “Kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển kinh tế tập thể và HTX” chính là hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ cũng như nâng cao năng lực cho các HTX tiếp cận với chuyển đổi số trong nông nghiệp. Từ đó, giải quyết được bài toán “được mùa mất giá” cũng như đứt gãy chuỗi giá trị nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hiện hữu.

Huyền Trang

Nguồn: vnbusiness.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *