‘Cầu nối’ cho trái cây của hợp tác xã đi Tây

Một trái thanh long bán ở thị trường Pakistan giá gần 120.000 đồng, quả vải tươi được bày trên kệ siêu thị ở Nhật với giá 500.000 đồng/kg. Thấy được tiềm năng trái cây Việt Nam và không để sản phẩm trái cây của hợp tác xã chỉ phân phối ở “sân nhà”, Liên minh HTX Việt Nam đang tìm cách “mai mối”, đưa trái cây của hợp tác xã ra nước ngoài tìm thị trường xuất khẩu. 

Ngày 8/10, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây của HTX với thị trường nước ngoài tiềm năng”. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của 300 đại biểu là tham tán thương mại các nước, hơn 200 HTX sản xuất trái cây trong nước và 40 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước.

Tiềm năng lớn

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận định, Hội nghị sẽ là cầu nối cho các hợp tác xã sản xuất trái cây và các sản phẩm từ trái cây có cơ hội được mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt được thông tin chính xác và nhanh nhất về các thị trường xuất khẩu tiềm năng, gặp gỡ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây trong và ngoài nước, vừa duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung quốc, Nhật Bản, châu Âu, vừa đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới như Tây Á, Nam Á… Qua đó, có định hướng cho các hợp tác xã từ khâu sản xuất nhằm đảm bảo quy cách về sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết tổng sản lượng trái cây của Việt Nam hiện nay đạt khoảng 12,6 triệu tấn/năm, được xuất khẩu đến 60 quốc gia, chiếm gần 1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới. Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU…

Dự báo nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến năm 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy, cơ hội đang rộng mở để đưa trái cây Việt Nam ra với thị trường thế giới. Thông qua kết quả của hội nghị sẽ góp phần giúp các HTX sản xuất trái cây Việt Nam tiếp cận và dần đưa cơ hội thành hiện thực.

Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, các HTX đã kết hợp hiệu quả giữa kinh nghiệm sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm đa dạng (trái cây được cấp đông, nước trái cây tươi, đóng hộp, cô đặc…), đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như: HACCP, Halal… Nhiều sản phẩm của HTX như vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, dứa, dưa, xoài… có tiềm năng xuất khẩu lớn, rất cần tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế.

Đơn cử, HTX Tiên Châu Phố Hiến (Hưng Yên) đang có 25 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt khoảng 400-500 tấn/năm. Hiện, ngoài bán nhãn tươi, HTX còn đẩy mạnh chế biến để mở rộng đầu ra. Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, HTX đã đẩy mạnh bán nhãn qua các sàn thương mại. Sản phẩm không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản…

DSC06068-9589-1633692018.jpg

Liên minh HTX Việt Nam cho biết, nhiều HTX trồng trái cây đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn trên thế giới.

Hay như HTX trái cây sinh học (Hậu Giang) đang sản xuất và bao tiêu 200ha các loại trái cây như chanh không hạt, bưởi, cam, dưa hấu, khóm… Trong đó, riêng chanh không hạt là 150ha, bình quân mỗi ngày HTX thu mua trái cây của nông dân từ 10 tấn trở lên, mỗi tháng từ 300 tấn, mỗi tháng HTX xuất khẩu ra thị trường nước ngoài được 176 tấn. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng diện tích bao tiêu chanh không hạt, bưởi da xanh, bưởi năm roi của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Một trong những thị trường lớn xuất khẩu trái cây của Việt Nam thời gian qua là Liên Bang Nga. Năm 2020, thị trường này đã nhập khẩu hạt điều của Việt Nam với tổng trị giá 80,3 triệu USD, chuối 1,12 tỷ USD, xoài, ổi, măng cụt tươi (chủ yếu là xoài) 73,6 triệu USD. Ngoài ra là xoài, ổi, măng cụt sấy (chủ yếu là xoài) 9,9 triệu USD, bưởi sấy 76,2 triệu USD, chanh sấy 228 triệu USD…

Ngoài Nga, Mỹ cũng là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ đạt 168 triệu USD. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2021, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ vẫn đạt 134,306 triệu USD, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 49% (chỉ 89,947 triệu USD). Theo thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2020 nước này nhập khẩu tới 14,1 tỷ USD trái cây. Ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đến hết năm 2021, giá trị nhập khẩu trái cây vào Mỹ có thể lên tới 15,1 tỷ USD, tương đương với Trung Quốc.

Nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Tổng lãnh sự quán tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết chất lượng trái cây của Việt Nam được đánh giá cao trong những năm gần đây. Sầu riêng ri6 của Việt Nam có chất lượng tốt nên được Úc thu mua với giá cao hơn so với các loại khác. Hay sản phẩm quả sấu, lá dong… hiện cũng được tiêu thụ tốt tại Úc.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy hiện nay là việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang các nước vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk cho biết, các HTX ở Đắk Lắk đang đẩy mạnh xuất khẩu bơ và sầu riêng nhưng hiện nay, chất lượng sản phẩm của một số HTX mới chỉ dừng ở tiêu chuẩn VietGAP nên khó đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU. Việc xuất khẩu cũng chủ yếu thực hiện qua đường tiểu ngạch và thông qua thương lái nên giá cả và tiêu thụ bị phụ thuộc vào thị trường.

Bên cạnh đó, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á –  Âu mà Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang Nga dù tăng nhanh, nhưng vẫn còn chiếm thị phần khiêm tốn.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga, cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến trái cây Việt Nam chưa cạnh tranh cao trên thị trường nước ngoài là do chất lượng, kích cỡ trái cây chưa đồng đều, khó có thể thu mua được với khối lượng lớn. Công nghệ bảo quản sau thu hái chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, chi phí vận tải cao, mặt hàng chưa đa dạng, 90% nông sản xuất khẩu ở dạng tươi, sấy, còn sản phẩm dạng nước chưa có nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới.

Bà Trà My, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hiện nay tại các siêu thị ở Trung Quốc, trái cây của Thái Lan xuất hiện nhiều hơn so với trái cây Việt Nam. Nguyên nhân là do việc xuất khẩu sản phẩm chủ yếu qua đường tiểu ngạch, Trung Quốc thu mua về chủ yếu để chế biến rồi xuất ngược lại sang Việt Nam nên giá trị sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, do quá trình thu mua, vận chuyển chưa bảo đảm yêu cầu nên chất lượng trái cây khi xuất khẩu sang thị trường này chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Biết người, biết ta”

Ông Lý Minh Phương, Giám đốc HTX Chuối Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết chuối của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Hà Lan. Dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng HTX vẫn muốn đẩy mạnh xuất khẩu chuối sang Nga. Vì sau quá trình nghiên cứu, HTX nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng, có nhu cầu nhập khẩu chuối lớn.

DSC06107-2723-1633692018.jpg

Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và đã kết nối với các HTX ở Việt Nam để thu mua và xuất khẩu trái cây thành công.

Nhu cầu của HTX Thanh Bình cùng là mong muốn của nhiều HTX hiện nay nhằm mở rộng đầu ra cho nông sản. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng mặt hàng trái cây Việt Nam sang các thị trường tiềm năng, theo các chuyên gia, còn rất nhiều việc mà các HTX, doanh nghiệp ở Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện.

Điều đầu tiên là về thị trường, các HTX cần chủ động khảo sát thị trường, tham quan/tham gia các triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại các nước để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu thụ trái cây và sản phẩm trái cây của người dân bản địa. Qua đó có thể tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của doanh nghiệp, HTX.

Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp, HTX đã thành công trong thâm nhập một số thị trường tiềm năng như Nga, Anh, EU, Pakistan, Trung Quốc.. Tuy nhiên, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và cạnh tranh sòng phẳng cần làm tốt hơn nữa công tác thăm dò, khảo sát thị trường.

“Mặc dù là một kênh xúc tiến tiêu thụ nông sản rất tốt nhưng chúng tôi chưa thấy có HTX, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nào sang Nga dự triển lãm”, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết.

Ngoài thị trường, một vấn đề nữa mà các HTX cần quan tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như tâm lý, nhu cầu sử dụng phù hợp ở từng thị trường. Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, người Hà Lan tiêu dùng rất tiết kiệm và đang chú trọng các sản phẩm tiện lợi như nước ép, hoa quả cắt lát nên muốn xuất khẩu, các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn “ngon, bổ, rẻ” nhưng phải bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm.

Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các HTX mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo trái cây có kích cỡ, màu sắc tương đồng, chất lượng đồng đều. HTX cũng cần đầu tư vào khâu kỹ thuật đóng gói, công nghệ bảo quản sau thu hoạch từ thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ để đảm bảo chất lượng trong cả chuỗi cung ứng, để trái cây Việt có thể giữ được chất lượng lâu hơn so với hiện nay.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga chia sẻ kinh nghiệm của Peru – nước xuất khẩu lớn nhất một số các loại trái cây tươi vào Nga như xoài, bơ, chanh leo. Thời gian vận chuyển từ Peru sang Nga lâu hơn từ Việt Nam sang Nga khoảng 5-7 ngày, nhưng chất lượng trái cây của Peru được giữ rất tốt, đảm bảo cho việc tiêu thụ tại thị trường. Nguyên nhân chính là vì nước này chú trọng vào công tác hậu thu hoạch, việc vận chuyển lạnh được đầu tư hết sức chuyên nghiệp. Điều này giúp hạn chế thiệt hại sau thu hoạch và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Nga.

“Các HTX cần đầu tư máy móc, tiếp tục mở rộng các mặt hàng đặc biệt là các sản phẩm sấy, nước quả với chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Nga”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nói rằng, qua hội nghị, có thể thấy nhu cầu kết nối tiêu thụ nông sản để xuất khẩu của các HTX rất lớn. Để làm được điều này, các HTX sẽ đẩy mạnh kết nối trên các cổng thông tin vcamart.com (sắp ra mắt) để kết nối đầu ra cho các HTX. Liên minh HTX Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các HTX kết nối với các doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn Alibaba.

“Đây là một trong những kênh tiêu thụ, xuất khẩu hiện đại, phù hợp với nhu cầu hiện nay”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để việc xuất khẩu được thuận lợi hơn, Liên minh HTX Việt Nam sẽ nhanh chóng thành lập các Liên hiệp HTX trái cây nhằm tạo thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ và mở rộng chế biến sâu, từ đó đáp ứng nhu cầu của các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng sẽ kết hợp với cơ quan Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, Bộ Công Thương… để tiếp cận thị trường, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hỗ trợ HTX tiêu thụ, xuất khẩu trái cây một cách thuận lợi.

Huyền Trang

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long Hòa Lệ (Bình Thuận): Thanh long là một trong những đặc sản ở Bình Thuận, ngoài sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, HTX còn đẩy mạnh chế biến thanh long thành các sản phẩm như: rượu, kem, thanh long sấy, tinh dầu… Mong muốn của HTX là được liên kết với các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu trái thanh long và các sản phẩm chế biến từ thanh long.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang: Mặc dù chịu ảnh hưởng từ những diễn biến bất lợi do dịch Covid-19, song nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, năm 2021, vải thiều Bắc Giang được đánh giá có chất lượng tốt nhất và có sản lượng lớn nhất trong những năm gần đây. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 215.852 tấn, tăng trên 50.850 tấn so với năm 2020), giá bán luôn được duy trì ổn định, bình quân đạt 19.800 đồng/kg.

Ông Đặng Nguyên Phúc, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam: Hệ thống phân phối trái cây tại Mỹ rất phát triển, đa dạng, nhiều kênh và hiện đại. Với đặc điểm của người Mỹ là ưa  sản phẩm “dùng ngay” hoặc sản phẩm “đa năng” nên ngoài tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc sản xuất và Kiểm dịch thực vật, các HTX cần chú trọng đầu tư nhà máy chế biến hoặc liên kết với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *